PHÉP BÁP-TÊM BẰNG NƯỚC

Trần Đình Tâm

 

Phép báp-têm là một nghi thức rất thông thường mà người tín hữu được nhận một lần trong đời sau khi tin nhận Chúa Jesus. Tuy nhiên, có những ý kiến khác nhau chung quanh vấn đề báp-têm, phát xuất từ quan điểm của các hệ phái Tin Lành, hay tùy theo cách mà người ta dẫn giải các phần Kinh Thánh có liên quan. Những ý kiến khác nhau tuy không ở mức độ trầm trọng, không gây ra những xung đột gắt gao, nhưng những bất đồng ngấm ngầm nầy cũng cần phải được giải tỏa qua việc nghiên cứu và tìm kiếm sự dạy dỗ trong Lời Chúa một cách nghiêm túc.

Trong bài nầy, chúng ta chỉ tìm hiểu về báp-têm bằng nước mà thôi, còn các loại báp-têm khác như báp-têm bằng Đức Thánh Linh, báp-têm bằng lửa, báp-têm cho người chết… sẽ được đề cập đến trong một bài khảo cứu khác.

1. Ý nghĩa của từ ngữ “Báp-têm”.

“Báp-têm” là từ phiên âm của “Baptize” (động từ) trong Anh ngữ.

a) “Báp-têm” theo nguyên ngữ Hy-lạp là “baptō” (số thứ tự 911 của từ điển Hy-lạp). Theo định nghĩa của Strong’s Complete Word Study, có nghĩa là “nhúng” (dip, immerse, submerge). Ví dụ: người ta nhún vải vào trong nước màu để nhuộm vải; người ta nhún cái bình vào trong một dung dịch nào đó nhằm mục đích làm cho cái bình được tráng một lớp dung dịch ấy.

Các câu Kinh Thánh sau đây, từ “baptō” được dùng, bản Kinh Thánh tiếng Việt dịch là “nhúng”, tương đương với từ “dip” trong các bản Anh ngữ.

Lu-ca 16:24: “bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng (baptō) đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi.”

Giăng 13:26: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ấy là kẻ mà ta trao cho miếng bánh ta sẽ nhúng (baptō)  đây. Đoạn, Ngài nhúng một miếng, rồi lấy cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con trai của Si-môn.”

Khải Huyền 19:13: “Ngài mặc áo nhúng (baptō) trong huyết, danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời.”

b) “Báp-têm” còn có nguyên ngữ Hy-lạp khác là động từ “baptizō” (số 907), từ nầy là từ phát sinh của “baptō” (911) nêu trên. “baptizō” được dùng trong các trường hợp sau:

1/ Rửa cho sạch (wash, clean) với nước: Không dùng chỉ về sự tẩy rửa thông thường, nhưng chỉ được dùng trong các câu Kinh Thánh nói về sự tẩy rửa mang ý nghĩa nghi thức tôn giáo: “Người Pha-ri-si thấy Ngài không rửa (baptizō) trước bữa ăn, thì lấy làm lạ.” (Lu-ca 11:38); “khi họ (người Pha-ri-si) ở chợ về, nếu không rửa (baptizō) cũng không ăn.” (Mác 7:4)

2/ Từ ngữ “báp-têm” (baptizō) được sử dụng trong hầu hết các câu Kinh Thánh liên quan đến nghi thức báp-têm: từ phép báp-têm do Giăng Báp-tít làm cho người Giu-đa, phép báp-têm Chúa Jesus chịu tại sông Giô-đanh, mệnh lệnh của Chúa Jesus cho các môn đồ trước khi Ngài về trời, cho đến sự thi hành báp-têm cho người tin nhận Chúa Jesus trong suốt sách Công Vụ Các Sứ Đồ. “baptizō” trong các nghi thức báp-têm có nghĩa là nhận chìm (submerge, immerse). Như thế, nếu căn cứ vào ý nghĩa của “báp-têm” theo ngôn ngữ Hy-lạp, người nhận phép “báp-têm” cần được dìm mình hoàn toàn trong nước.

Những trường hợp rải hay rắc nước (sprinkle) không thấy đề cập đến trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng không đưa ra những mệnh lệnh dứt khoát rõ ràng là phải dìm thân thể hoàn toàn trong nước, cũng không có chổ nào trong Kinh Thánh ngăn cấm hình thức rải hay rắc nước hay chỉ nhúng một phần thân thể  trong nước. cho nên, cách tốt nhất là nên theo ý nghĩa của từ ngữ “batizō” trong tiếng Hy-lạp là dìm mình hoàn toàn trong nước. Tuy nhiên, báp-têm là nghi thức bên ngoài (rite) để bày tỏ đức tin bên trong, cho nên trong một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ những người tin Chúa là những người già yếu mắc bệnh đặc biệt, những người tật nguyền, những người bệnh nằm trên giường sắp qua đời v.v… những người nầy không thể dìm mình hoàn toàn trong nước, chúng ta không nên bắt buộc họ phải chịu báp-têm bằng cách dìm thân thể hoàn toàn trong nước. Vì điều quan trọng là đức tin nơi Chúa Jesus, chính đức tin đã cứu họ, chứ không phải phép nghi lễ báp-têm cứu người đó. Ê-phê-sô 2:8,9 cho biết “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” Mác 16:16 chép: “Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.”  Các câu nầy cho thấy nếu một người không tin Chúa mà nhận phép báp-têm, thì họ vẫn bị hư mất, vì nghi thức báp-têm không cứu được họ.

Hình thức rải nước hay nhúng trong nước chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, một người tin Chúa vào lúc già yếu, bệnh tật, sắp qua đời trên giường bệnh, chúng ta hiểu rằng bởi đức tin mà người ấy được cứu, nếu người ấy đã được cứu rồi, thì có cần phải bắt buộc người ấy nhận báp-têm hay không, dù đó chỉ là sự rải nước?

2. Ý nghĩa thuộc linh của phép Báp-têm.

Phép Báp-têm mang ý nghĩa rất cao đẹp và quan trọng, được sứ đồ Phao-lô trình bày trong Rô-ma 6:3,4: “Anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.” và Cô-lô-se 2:12; “Anh em đã bởi phép báp-têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại.”

Báp-têm chỉ là nghi thức bên ngoài nhưng lại bày tỏ ý nghĩa thuộc linh quan trọng: Khi một người chịu báp-têm là người ấy công khai xưng nhận đức tin qua sự liên hiệp với Chúa Jesus trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài: 1/ Hành động dìm mình xuống nước biểu thị cho sự chết và chôn đối với con người cũ của mình, Phao-lô giải thích thêm “vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa.” (Rô-ma 6:6). Người tín đồ cần hiểu rằng mình không còn bị nô lệ hay bị phục tùng bởi con người cũ (là con người bị tội lỗi do A-đam lưu truyền làm cho hư hoại). 2/ sự kiện ra khỏi nước biểu thị cho sự sống lại trong cuộc đời mới. Phao-lô giải thích thêm: “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 6:11) “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất.” (Cô-lô-se 3:1,2). Sau khi ra khỏi nước, người tín đồ bước vào đời sống mới, là đời sống đã được tái sanh và đổi mới bởi Đức Thánh Linh, từ đây người ấy sống theo sự dạy dỗ và hướng dẫn của Chúa.

Chúng ta thường chứng kiến các vị lãnh đạo Hội Thánh thực hiện phép báp-têm cho tín hữu theo một trong hai hình thức sau: 1/ Người tín hữu ngồi hụp xuống nước sao cho nước bao phủ hoàn toàn thân mình. 2/ Vì ý nghĩa thuộc linh của báp-têm là đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Chúa Jesus, nên một số vị lãnh đạo Hội Thánh thi hành phép báp-têm cho tín hữu bằng cách ngã ngửa người tín hữu ra phía sau (vì cho rằng người chết thì nằm ngửa) và cũng được nước phủ hoàn toàn. Cách nào là đúng với Kinh Thánh? Kinh Thánh hoàn toàn không đưa ra sự chỉ dẫn về vấn đề nầy nên chúng ta không nên cố chấp mà cho rằng cách nầy đúng hơn cách kia. 

3. Điều kiện để được nhận báp-têm.

Chúng ta hãy khảo sát 5 trường hợp sau:

a) Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm, Phi-e-rơ giảng Tin Lành cho những người Do Thái, ông nói: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh… Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong này ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38,41)

Ngay sau khi nghe giảng về Chúa Jesus, những người tin nhận đều được nhận báp-têm. Xin chú ý là tất cả đều được báp-têm ngay trong ngày họ tin Chúa.

b) Sau khi viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi được Phi-líp rao giảng về Chúa Jesus, Kinh Thánh chép: “Hai người đang đi dọc đường, gặp chỗ có nước, hoạn quan nói rằng: Nầy, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-tem chăng? Phi-líp nói: Nếu ông hết lòng tin, điều đó có thể được. Hoạn quan trả lời rằng: Tôi tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời. Người biểu dừng xe lại; rồi cả hai đều xuống nước, và Phi-líp làm phép báp-tem cho hoạn quan.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:36-38)

Câu chuyện thật sống động, ngay sau khi hoạn quan tuyên xưng đức tin của mình “Tôi tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời”, ông liền được nhận báp-têm bằng nước.

c) Câu chuyện Sau-lơ trên chuyến đi bắt bớ Hội Thánh của Chúa tại Đa-mách, ông đã gặp Chúa qua ánh sáng từ trời và qua tiếng phán của Chúa, sau đó ông bị mù trong ba ngày. Trước khi mắt ông được sáng lại, Chúa sai một môn đồ là A-na-nia đến gặp Sau-lơ: “A-na-nia bèn đi, vào nhà, rồi đặt tay trên mình Sau-lơ mà nói rằng: Hỡi anh Sau-lơ, Chúa là Jêsus nầy, đã hiện ra cùng anh trên con đường anh đi tới đây, đã sai tôi đến, hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy Đức Thánh Linh. Tức thì có cái chi như cái vảy từ mắt người rớt xuống, thì người được sáng mắt; rồi chờ dậy và chịu phép báp-tem.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17,18)

Sau-lơ nhận phép Báp-têm ngay sau khi bị Chúa bắt phục, ngay sau khi ông gặp Chúa.

d) Viên đội trưởng Cọt-nây và gia đình của ông tin nhận chúa Jesus sau khi được nghe Phi-e-rơ rao giảng. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:47,48 chép: “Bấy giờ Phi-e-rơ lại cất tiếng nói rằng: Người ta có thể từ chối nước về phép báp-tem cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng? Người lại truyền làm phép báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ.”

Tương tự như câu chuện trên, gia đình Cọt-nây được báp-têm ngay sau khi tiếp nhận Tin Lành.

e) Trong câu chuyện Phao-lô và Si-la làm chứng về Chúa Jesus cho viên cai ngục, chúng ta đọc thấy: “Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người, và cho những kẻ ở nhà người nữa. Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-tem.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31-33)

Gia đình người cai ngục nhận phép báp-têm ngay sau khi họ tiếp nhận Chúa Jesus.

Tất cả 5 trường hợp nêu trên đều cùng có một điểm giống nhau rất rõ ràng: Những người tin Chúa Jesus đều được nhận phép báp-têm ngay sau đó. Từ sự khảo sát 5 câu chuyện trên, chúng ta có thể khẳng định: Điều kiện cần và đủ để một người được nhận báp-têm, đó là người ấy đặt đức tin nơi Chúa Jesus. Chúa không đòi hỏi điều kiện nào khác hơn là TIN nơi Ngài. Chỉ khi một người đặt lòng tin chân thật nơi Chúa Jesus, là Đức Chúa Trời, là Đấng chết vì tội của mình, thì người ấy đủ điều kiện để nhận Báp-têm. Chúa Jesus đã tuyên bố: “Ai tinchịu phép báp-tem, sẽ được rỗi.” (Mác 16:16).

Thật đáng buồn là ngày nay, nhiều hệ phái Tin Lành, hay những tổ chức Giáo Phái đã đặt thêm những điều kiện để buộc người mới tin Chúa làm theo, sau đó mới được nhận báp-têm. Điều kiện thêm vào là buộc người tín đồ mới tin phải học một lớp học gọi là “giáo lý báp-têm” (Phước Âm Yếu Chỉ). Họ nghĩ rằng người mới tin Chúa cần hiểu rõ những lẽ đạo căn bản để củng cố cho đức tin mới mẻ, họ cần được chuẩn bị chu đáo trước khi tiếp nhận thánh lễ quan trọng là báp-têm. Tuy nhiên, những điều ấy chỉ là ý tưởng của loài người, do tổ chức giáo hội thêm vào, chứ không phải mệnh lệnh của Chúa. Việc học lẽ đạo căn bản là điều rất cần thiết nhưng phải được thực hiện sau khi nhận Báp-têm, chứ không phải trước khi báp-têm. Ngoài ra, việc bắt buộc người tân tín hữu phải trải qua khóa học “giáo lý báp-têm” sẽ làm trì hoãn phép báp-têm mà đáng lẽ họ phải được nhận ngay sau khi họ tin Chúa.

Hãy nhớ lại câu hỏi mà hoạn quan Ê-thi-ô-bi đã hỏi Phi-líp: “Nầy, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-tem chăng?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:36) Chúng ta hãy hỏi tương tự: “có sự gì ngăn trở người tin Chúa chịu báp-têm không?”. Chẳng lẽ chúng ta trả lời rằng: “Có! Cần phải học một khóa giáo lý báp-têm”

Đây là mệnh lệnh của Chúa Jesus: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19,20). Mệnh lệnh của Chúa có 3 phần theo thứ tự: 1/ Dạy dỗ: Ý nói rao giảng Tin Lành (Mác 16:15), hay khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa bởi sự tiếp nhận Chúa Jesus; 2/ Làm báp-têm cho những ai tin; 3/ Dạy Lời Chúa cho những người đã tin và đã chịu báp-têm. Chúng ta thấy rõ, việc dạy Lời Chúa cho người tin phải được thực hiện sau khi họ chịu báp-têm.

Như vậy, chúng ta cần giúp người mới tin Chúa nhận báp-têm càng sớm càng tốt. Nếu không thể thực hiện được trong ngày họ tin Chúa, thì có thể nán lại trong vài ngày, chứ không nên trì hoãn đến nhiều tuần lễ.

4. Ai có thể làm báp-têm cho người mới tin Chúa.

Trong mọi nan đề, chúng ta luôn có được sự hướng dẫn từ Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không đưa ra một mệnh lệnh về vấn đề nầy, nhưng lại giúp chúng ta khám phá được sự hướng dẫn cần thiết. Một lần nữa, hãy khảo sát 5 câu chuyện có liên quan đến báp-têm đã nêu ở trên, chúng ta sẽ có giải đáp cho vấn đề ai là người giúp đỡ cho người tân tín hữu nhận phép báp-têm: Trong 5 trường hợp trên, người thi hành báp-têm là người trực tiếp tiếp xúc với người mới tin Chúa, người đó là người đã làm chứng, là người dẫn dắt người kia tin Chúa, và tốt hơn nữa cũng chính họ hướng dẫn người kia cầu nguyện tiếp nhận Chúa.

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, với số người tin Chúa lên đến ba ngàn người, Kinh Thánh không cho biết ai làm báp-têm, chúng ta có thể cho rằng Phi-e-rơ và 11 sứ đồ cùng với 120 môn đồ mới có thể giúp làm báp-têm cho một con số tín hữu rất lớn là ba ngàn người trong cùng ngày.

Trong câu chuyện hoạn quan Ê-thi-ô-bi và Phi-líp. Chúng biết Phi-líp là một chấp sự, Phi-líp đã làm báp-têm cho người mà mình rao giảng cho.

Trong câu chuyện Sau-lơ tin Chúa, A-na-nia chỉ là một môn đồ được Chúa dùng để làm báp-têm cho Sau-lơ.

Trong câu chuyện viên đội trưởng Cọt-nây, Phi-e-ơ là người trực tiếp làm chứng cho gia đình Cọt-nây, nhưng Kinh Thánh không nói ai là người làm báp-têm cho Cọt-nây và gia đình của ông, nhưng chúng ta tin chắc là Phi-e-rơ làm báp-têm cho họ.

Trong câu chuyện của người cai ngục và gia đình ông tin Chúa, chúng ta tin rằng Phao-lô và Si-la là hai người làm báp-têm cho gia đình người cai ngục.

Qua các câu chuyện nêu trên, chúng ta ghi nhận một yếu tố nổi bật: Người tin nhận Chúa cần được báp-têm, đó mới là yếu tố quan trọng, chứ không phải người làm báp-têm cho người tin Chúa, vì có vài trường hợp Kinh Thánh chỉ tường thuật những người tin chịu báp-têm nhưng không nói ai đứng ra làm báp-têm. Sự khảo sát 5 trường hợp trên cũng cho thấy: Chúa có thể dùng những người có những vị trí khác nhau trong Hội Thánh để làm Báp-têm. Quan điểm cho rằng chỉ có mục sư quản nhiệm mới được làm báp-têm là quan điểm không có căn cứ trên Kinh Thánh.

Làm thế nào để một người tin Chúa nhận được báp-têm càng sớm càng tốt mà không bị trễ nải đến hàng tháng, vốn thường xãy ra trong các Hội Thánh ngày hôm nay? Nếu chúng ta thật lòng muốn làm theo lời Kinh Thánh dạy, thì vấn đề đã được giải quyết: Những ai có trách nhiệm tham gia vào công cuộc truyền giảng Tin Lành, là những người đã từng tiếp xúc với người mới tin Chúa, là người đã từng làm chứng cho người ấy, là người đã cưu mang, đã cầu nguyện, đã dẫn đưa người ấy đến với Chúa, đó chính là những người nên làm báp-têm cho người mình dẫn dắt tin Chúa, nếu thực hiện đúng theo gương mẫu Kinh Thánh, những người tin Chúa sẽ được làm báp-têm sớm mà không bị trì hoãn, vì không phải học lớp “giáo lý báp-têm”, không cần phải chờ các vị lãnh đạo trong Hội Thánh sắp xếp ngày giờ thuận tiện để chịu báp-têm, mà ngày giờ thuận tiện có khi phải đợi đến Lễ Giáng Sinh hay Lễ Phục Sinh!!

Ngoài ra, việc suy gẫm cẩn thận các phần Kinh Thánh liên quan đến nghi thức báp-têm cho người mới tin Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta còn nhận thấy sự thi hành phép báp-têm rất đơn sơ, diển ra bất cứ tại đâu, có khi chỉ có hai người mà thôi (người làm báp-têm và người nhận báp-têm) như Phi-líp và hoạn quan Ê-thi-ô-bi; như A-na-nia và Sau-lơ. Không cần phải chờ đợi, không cần khóa học giáo lý và bài kiểm tra hay phỏng vấn, không cần phải sắp xếp để có nhiều người chứng kiến, không cần mặc áo lễ, không cần phải tổ chức một buổi thánh lễ báp-têm long trọng như các Hội Thánh ngày nay đang làm.

Chúng ta đều biết mục sư là người giữ công tác làm báp-têm cho tân tín hữu trong các Hội Thánh ngày nay. Tuy nhiên Lời Chúa cho thấy người làm báp-têm cho tân tín hữu không bắt buộc phải mang chức vụ mục sư. Nhiều người có nếp sống tin kính trong Hội Thánh có thể giúp các lãnh đạo Hội Thánh trong sự thi hành báp-têm cho người mới tin Chúa. Điều quan trọng là ý nghĩa của phép Báp-têm và người mới tin Chúa cần được làm báp-têm. Cần chú tâm vào nhu cầu cần được báp-têm của người mới tin Chúa hơn là chú tâm vào chức vụ phải có của người thi hành nghi thức báp-têm.

Tháng 9, năm 2013